Nhiều ý kiến cho rằng Trump đang biến ngày lễ kỷ niệm quốc gia thành một sự kiện đánh bóng hình ảnh của riêng ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Đệ nhất phu nhân Melania tới dự lễ kỷ niệm quốc khánh ở đài tưởng niệm Lincoln ngày 4/7. Ảnh: Reuters.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở về từ lễ duyệt binh kỷ niệm Quốc khánh Pháp hồi tháng 7/2017, ông tỏ ra vô cùng thích thú, gọi đây là "màn duyệt binh đẹp nhất tôi từng thấy".
Vài tháng sau, Trump ra quyết định: Ông muốn Mỹ cũng có lễ duyệt binh của riêng mình, thậm chí phải đẹp hơn và hoành tráng hơn so với những gì ông chứng kiến ở Paris. "Chúng ta phải thử và làm tốt nhất có thể", Trump nói. Nhưng kế hoạch duyệt binh vào ngày kỷ niệm kết thúc Thế chiến I 11/11/2018 bị hủy do chi phí quá cao.
Trong lễ mừng Quốc khánh 4/7 năm nay, ông chủ Nhà Trắng đã phần nào đạt được những gì mình muốn: Một màn diễu binh phô diễn sức mạnh quân sự với sự tham gia của xe tăng và chiến đấu cơ trong buổi lễ mang tên "Chào nước Mỹ" do Trump đứng ra tổ chức. Dù các xe tăng, thiết giáp chỉ được trưng bày tại vị trí cố định, màn trình diễn của các tiêm kích, oanh tạc cơ trên bầu trời thủ đô đã khiến nhiều người thán phục.
Tuy nhiên, quyết định phô diễn sức mạnh quân sự "chưa từng thấy" của Tổng thống Trump đã gây nên làn sóng tranh cãi cả ở Mỹ và trên toàn thế giới. Một số người gọi việc xe tăng xuất hiện trên đường phố Washington là "lố bịch". Số khác cho rằng Trump đang lợi dụng ngày lễ kỷ niệm quan trọng với quốc gia để phục vụ cho mục đích riêng.
"Tổng thống Mỹ đang muốn tuyên truyền cho chính bản thân mình", báo Tagesspiegel, Đức, nhận xét trong một bài bình luận đăng ngày 3/7, gọi kế hoạch tổ chức lễ duyệt binh là "đáng xấu hổ", "biểu hiện của chủ nghĩa vị kỷ". Theo báo Repubblica, Italy, màn phô diễn sức mạnh quân sự của Trump đã tạo nên "hàng nghìn ý kiến trái chiều".
Một số nhà phân tích châu Âu cho rằng việc Trump huy động khí tài quân sự trong lễ kỷ niệm Quốc khánh ngoài mục đích phô diễn sức mạnh còn mang động cơ chính trị.
"Nếu một lễ duyệt binh được tổ chức vì mong muốn cá nhân của Trump, đó là vấn đề chính trị", Nicholas Dungan, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét. "Ở Pháp, lễ duyệt binh không liên quan tới chính trị vì nó là truyền thống của quốc gia".
Tại châu Âu, các cuộc duyệt binh hầu hết nhằm mục đích nhắc nhở về hậu quả của chiến tranh. Nhằm tránh bị hiểu nhầm là phô diễn sức mạnh quân sự, các nước châu Âu thường mời binh sĩ từ những quốc gia khác tới cùng góp mặt trong buổi lễ.
Với Trump, dù không đưa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa diễu hành trên đường phố Washington, ông từng ngụ ý rằng một trong các mục tiêu của lễ diễu binh ngày 4/7 là "khoe" những tiến bộ công nghệ mà Mỹ đang nắm trong tay. Ông đề cập tới "những thiết bị đáng kinh ngạc, những thiết bị quân sự hoàn toàn mới sẽ được phô diễn" tại sự kiện. "Chúng tôi tự hào về chúng", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Hai tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet (giữa) cùng hai siêu tiêm kích F-35C biểu diễn trong buổi lễ. Ảnh: Reuters.
Các cựu quan chức trong lực lượng vũ trang Mỹ cũng đã lên tiếng về màn phô diễn sức mạnh của Trump. Tướng về hưu Barry McCaffrey, người thường xuyên chỉ trích Trump, nhận định màn duyệt binh sẽ "thổi bùng một cuộc xung đột chính trị tệ hại khác".
"Tổng thống biến ngày lễ quốc gia thành một màn trình diễn phục vụ cho mục đích của riêng ông ấy", McCaffrey nói. "Đây chắc chắn là một sự kiện chính trị khiến Lầu Năm Góc khó chịu".
Trong lúc buổi lễ diễn ra tại Đài tưởng niệm Lincoln, những người biểu tình phản đối và ủng hộ Trump đã nổ ra ẩu đả bên ngoài Nhà Trắng. Nhóm biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ do nhà hoạt động Joey Johnson dẫn đầu đã đốt một lá cờ Mỹ ở công viên Lafayette. Một số người ủng hộ Trump mặc áo và đội mũ có dòng chữ "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" dùng tay không nhặt cờ và cố dập tắt lửa. Tuy nhiên, nhóm phản đối tiếp tục đốt lá cờ thứ hai, dẫn đến xô xát giữa hai bên.
Medea Benjamin, đồng sáng lập nhóm hoạt động chống Trump, cho hay bà cảm thấy "không hài lòng" khi Tổng thống Mỹ chính trị hóa lễ kỷ niệm quốc gia. "Trump biến ngày hôm nay thành ngày của ông ấy trong khi đáng nhẽ nó là ngày của tất cả chúng ta", Benjamin nói. "Ông lấy hàng triệu USD tiền thuế để tổ chức một hoạt động tranh cử cho chính mình và điều đó là hoàn toàn sai trái".
Dù Nhà Trắng cam đoan sự kiện không mang tính chính trị, vé tham dự buổi lễ vẫn được trao tới các đồng minh của Tổng thống Trump, bao gồm Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa cùng các quan chức trong chính quyền Trump. Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ không nhận được vé mời.
Bên cạnh đó, những câu hỏi về chi phí tổ chức sự kiện cũng đang gây tranh cãi. Tổng thống Trump trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter khẳng định chi phí "không thấm vào đâu so với giá trị của màn diễu binh".
"Chúng ta có sẵn máy bay, phi công, sân bay lại ở ngay bên cạnh (Andrews), tất cả những gì ta cần chỉ là nhiên liệu", ông nói, đề cập tới căn cứ quân sự Andrews ở Maryland. "Chúng ta cũng có sẵn xe tăng. Tiền bắn pháo hoa được hai trong những người vĩ đại quyên góp".
Không quân Mỹ góp mặt với biên đội oanh tạc cơ chiến lược B-2 Spirit và tiêm kích tàng hình F-22, hải quân triển khai hai tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet và hai siêu tiêm kích F-35C cùng phi đội biểu diễn Blue Angels. Lục quân Mỹ tham gia với 4 trực thăng tấn công AH-64 Apache. Tuần duyên Mỹ sử dụng trực thăng H-60, H-65 và vận tải cơ HC-144. Phi đội chuyên cơ gồm Không lực Một, Marine One và hai trực thăng lai MV-22 Osprey cũng bay qua thủ đô Washington.
Không quân Mỹ cho hay mất khoảng 122.000 USD cho mỗi giờ bay của oanh tạc cơ B-2, và 65.000 USD đối với chiến đấu cơ F-22.
William Ramos lái xe từ New York tới Washington chỉ để nghe bài phát biểu của Tổng thống Trump. Ông cho biết không coi việc điều động khí tài quân sự tham gia buổi lễ là một sự lãng phí và ông cảm thấy thích thú khi được nhìn thấy chúng.
"Tôi thích cái cảm giác tự hào về đất nước và về quân đội của chúng ta", Ramos chia sẻ. "Tôi không nhìn sự việc theo hướng tiêu cực".
Vũ Hoàng (Theo WP, ABC News, Fox News)
0 comments:
Post a Comment